top of page
Writer's pictureWiley Jackson

Điện Biên Phủ - chuyến đi tới chiến trường Verdun trong rừng sâu 65 năm sau




Khi tôi bước ra khỏi chiếc xe bus giường nằm đông đúc, phải mất một lúc tôi mới hoàn toàn tỉnh táo và nhận ra mình đang ở đâu. Mới có 5 giờ sáng nhưng bến xe bus đã đông và ồn ào lắm rồi. Người Việt thường không quan tâm lắm đến khái niệm “không gian cá nhân,” nên ai cũng tìm cách chen chúc lấy đồ, dỡ hàng ra khỏi xe. Tôi tập tễnh chân đất ra khỏi xe trong khi Anh đi lấy balo dưới gầm xe.

Bến xe bus của thị trấn nhỏ xíu, mà có đến cả chục chiếc xe giường nằm và vài chiếc mười tám chỗ đỗ. Trong sân còn có hàng cà phê, trà đá được dựng lên từ mấy chiếc cọc tre, và vài ba chiếc ghế nhựa xanh. Một vài phụ nữ lớn tuổi, đầu đội nón, đang ngồi trên ghế trông cháu. Mấy anh thanh niên chân đất, đầu đội mũ lưới trai, đeo thắt lưng to bản, mặc chiếc áo Versace fake cùng quần jean bó sát, đứng hẳn lên trên nóc xe để dỡ hàng.

Hàng hoá trên xe là một mớ hỗn độn pha trộn giữa National Geographic và Beverly Hill Hillbillies. Tủ lạnh, giường, và thậm chí xe máy đều được buộc lên nóc xe, phải nói là không được an toàn lắm. Tuy vậy sau một lúc đồ đạc đều được dỡ ra và đưa đến cho người nhận một cách trình tự. Cảnh này khiến tôi nhớ lại hồi bé tôi hay đi xem người ta bán đấu giá gia súc ở vùng quê Delaware.

Sau khi đi giày, tôi giúp Anh lấy balo của chúng tôi ra từ gầm xe. Tôi như người khổng lồ giữa đám đông chen chúc ở bến xe. Vài phút sau, cuối cùng chúng tôi cũng bước ra khỏi bến xe và đi bộ dọc theo những con phố của thị trấn Điện Biên Phủ lúc tờ mờ sáng.

Mới sáng sớm mà phố xá đã khá tấp nập. Nhiều xe taxi và xe ôm lượn lờ quanh hành khách mới ra khỏi bến xe để chào mời. Đây là dịp 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nữa, nên thị trấn lại càng đông. Các cửa hàng bắt đầu mở, bảng hiệu neon bật sáng. Một số người bán hàng rong chào mời khách mua sầu riêng hoặc kẹo lạc bọc trong giấy bóng.

Mặt trời đã bắt đầu mọc, xua tan đi làn sương sớm. Chúng tôi quyết định không đi tắc xi mà đi bộ đến khách sạn, nhân tiện khám phá đường phố xung quanh luôn. Với lại, chúng tôi vừa ngồi trên xe bus hơn 10 tiếng mới lên được đến đây, nên đi bộ một chút cũng giúp giãn cơ và máu tuần hoàn tốt hơn.

Chiếc xe bus giường nằm từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ không được thoải mái lắm. Xe khá là đông. Giường trên xe thì dành cho những người thấp hơn tôi khoảng 20cm, nên tôi phải co quắp người lại cả chuyến đi thì mới nằm vừa. Giờ thì chân tôi mỏi nhừ và lưng thì đau. Vì vậy tôi không định ngồi tiếp mà phải đi bộ một chút mới khá hơn được.

Sau khi ra khỏi bến xe, chúng tôi cũng chưa biết đi hướng nào tiếp. Đây là lần đầu chúng tôi đến Điện Biên Phủ. Sóng điện thoại khá là yếu. Điện thoại của tôi liên tục báo bắt sóng của Trung Quốc, nên tôi chẳng dùng được 4G ở đây. Bên phải, tôi có thể nhìn thấy đường băng ngày xưa máy bay đưa lính Pháp đến đã từng cất và hạ cánh. Bên phải, là một thị trấn đông đúc được xây nên từ bãi chiến trường năm nào.

Ngay tại thung lũng này, quân Pháp đã hứng chịu một trong những thất bại nặng nề nhất, tạo hiệu hứng domino kết thúc chế độ thực dân Pháp trên toàn thế giới và tạo điều kiện cho Mỹ can thiệp vào Đông Nam Á. Năm lớp 6, tôi và bố từng ngồi dựng mô hình trận chiến Điện Biên Phủ. Tôi đã muốn đến thăm nơi đây suốt cả đời mình. Những tài liệu tiếng Anh tôi đọc được chủ yếu nói về trận chiến từ góc nhìn của người Pháp. Tôi muốn đến đây để hiểu về góc nhìn của Việt Nam.

Đi bộ giúp tôi cảm thấy phấn chấn hơn. Tôi khá là mọt sách về lịch sử quân đội. Đây là cơ hội để tôi khám phá một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử hiện đại. Tôi cảm thấy mình trở lại là trẻ con và được mẹ dẫn đi thăm chiến trường Gettysburg hoặc Fort Sumpter và Fort Moultrie vậy. Dù rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống ở đây, tôi luôn mong muốn được nhìn tận mắt chiến trường để hiểu về một thời đại trước cả khi tôi sinh ra, và học những điều sách lịch sử không thể dạy.

Tôi bắt đầu làm quen với xung quanh và nhìn ra một chiếc xe tăng M-24 rỉ sắt nằm ngay giữa cánh đồng cạnh đường băng cũ. Tôi sung sướng chạy ra đó để chụp ảnh. Tôi thậm chí còn nhảy cẫng lên vì phấn khích, như một đứa trẻ lần đầu nhìn thấy xe cứu hoả. Tôi hét lên “Hãy nhìn này, một chiếc xe tăng từ trận chiến Điện Biên Phủ!” trong lúc cứ nhảy nhảy xung quanh. Anh nhìn tôi như thể tôi bị điên rồi vậy.

Chúng tôi bắt đầu đi về phía Nam thị trấn. Anh có vẻ mệt sau chuyến đi dài và không quan tâm lắm đến mấy chiếc xe tăng, nên tôi cố kiềm chế không hét hò gì sau đó nữa. Đi thêm mấy phút, chúng tôi đến bờ sông Nam Yum nổi tiếng, nơi chia cắt chiến trường phía đông và tây. Từ bờ sông, tôi có thể nhìn thấy rõ bờ phía đông. Nối hai bên bờ sông là chiếc cầu cũng rất nổi tiếng, cầu Mường Thanh, nơi thực dân Pháp cố thủ cho đến những ngày cuối cùng của trận chiến. Cầu được làm bởi những thanh sắt và gỗ đan xen, làm tôi liên tưởng đến những chiếc cầu Army Corps xây dựng từ Thế chiến II.

Chiếc cầu đã chứng kiến một trận chiến khá kinh hoàng, khi xạ thủ từ cả hai bên nã đạn, không cho ai qua cầu, cho đến ngày cuối khi chiến sĩ Việt Minh tràn qua cầu và chiếm giữ một trong những điểm đóng cuối cùng của Pháp. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói ông đã phải hạn chế lượt pháo bắn để xạ thủ của mình có thể ngắm bắn địch hiệu quả hơn. Còn lính Pháp thì nhắm súng máy phòng không vào các vị trí của Việt Nam và biến nơi đây thành một chảo lửa.

Chính phủ Việt Nam có dựng nên một số di tích ở quanh khu vực này để tưởng nhớ trận chiến ác liệt diễn ra ở đây. Gần chỗ chúng tôi đứng là một miệng hố nhỏ, nơi từng là bunker của tướng chỉ huy pháo binh Pháp Pirot, người được cho là đã tự vẫn bằng cách nổ lựu đạn, khi Việt Minh tràn sang tấn công. Vẫn còn những khẩu pháo 75mm và 105mm được giữ lại và trưng bày ở đây. Tôi tự hỏi làm sao những vũ khí này được giữ lại lâu đến vậy, trong khi những mảnh máy bay Mỹ trong chiến tranh Việt Nam đã bị biến thành sắt vụn để sản xuất nồi, chảo từ lâu.

Mặt trời cuối cùng đã lên hẳn. Phụ nữ và trẻ con bắt đầu tràn ra đường đi chợ sớm. Một số người đàn ông ra ngồi câu cá bên bờ sông. Hầu hết dân số ở Điện Biên Phủ là người dân tộc. Thung lũng này từ lâu là nơi ở của người Thái Đen, thậm chí từ thời Nhà Nguyễn.

Nhiều người vẫn mặc đồ truyền thống theo dân tộc của họ. Tôi nhìn thấy khá nhiều phụ nữ dân tộc Thái búi tóc cao, sau đó đội mũ bảo hiểm chồng lên tóc khi lái xe. Trên đường, có hàng trăm người đội mũ bảo hiểm như thế, như một dòng sông đầy những chiếc mũ bảo hiểm lơ lửng trên không vậy.

Khi chúng tôi đi qua cầu, một tiểu đội lính Việt Nam lái xe máy chạy ngang qua chúng tôi. Họ vẫn mặc những bộ đồng phục như cách đây 65 năm. Tôi lại thấy phấn khích. Ở thành phố ít khi tôi được nhìn thấy bộ đội lái xe Honda Cubs hay Dreams chạy trên phố thế này. Trong đầu tôi đang tưởng tượng lại cảnh các chiến sĩ Việt Nam, đầu đội nón, vai đeo balo vẫn còn nguyên lá nguỵ trang, tay cầm súng máy PPSH 41s và MAT-49 được cải tiến sau khi thu hồi từ lính Pháp.

Ngay tại chân cầu có một biển báo cấm tụ tập, nhưng cạnh đó lại là khu chợ trời lớn nhất của thị trấn. Gà vịt treo lủng lẳng trên xe máy. Cá sông quẫy đuôi trong những xô nước xếp dọc đường đi. Những phụ nữ dân tộc đứng mặc cả mấy bó rau bên đường. Các cô gái trẻ địu con sau lưng đi chợ, trong khi mấy bé trai cầm cỏ giả vờ đánh kiếm huyên náo một góc.

Chúng tôi lơ ngơ đi quanh chợ, đầy sạp bán những loại cây cỏ lạ lùng có màu đỏ như máu. Không ngờ chúng tôi lại đang đi gần đến khu pháo đài được đặt tên là Elaine bởi lính Pháp.

Xung quanh chúng tôi, một vài nhóm bộ đội diễu hành qua. Họ đang xây dựng khu biểu diễn kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trong thị trấn. Theo một cách nào đó, họ đang làm công việc của những người lính trong thời bình, y hệt như những người lính từ thời Đinh Bộ Lĩnh mà tôi đọc được. Với một đất nước có bề dày lịch sử như Việt Nam, có nhiều điều vẫn mãi không thay đổi.

Sau khoảng 20 phút đi bộ, đột nhiên điện thoại của chúng tôi rung lên. Chúng tôi lại có 4G rồi! Chúng tôi nhanh chóng tìm lại email để xem vị trí của khách sạn. May quá, chỉ còn mấy trăm mét nữa là đến. Đã thấm mệt, chúng tôi quyết định nhanh chóng đi bộ về khách sạn nghỉ ngơi trước khi khám phá tiếp thị trấn.

Chúng tôi đến một khách sạn nhỏ gần trung tâm thị trấn và check in vào phòng. Phòng khá đơn sơ, bao gồm chiếc giường đệm cứng đúng kiểu Việt Nam. Chúng tôi định ngả lưng khoảng 10 phút thôi rồi đi tiếp, ai ngờ giấc ngủ lại ập đến trong tiếng chim hót và lá tre xào xạc ngoài cửa sổ. Chúng tôi chìm sâu vào giấc ngủ không mộng mị, giữa mảnh đất của chiến tranh và những linh hồn thất trận.

 

Wiley H. Jackson

Teacher, Writer, Adventurer


Please click on any of the hashtags below for related articles.

123 views0 comments

コメント


bottom of page