"Quyet Chien, Quyet Thang"
Hành trang của tôi bao gồm: máy ảnh, ống kính, pin, tripod, máy thu âm, quyển sổ ghi chép những thông tin về chiến trường Điện Biên. Trước khi lên đường đến đây, tôi định quay một vài video để đưa lên Youtube, nói về chiến dịch Điện Biên Phủ với những cảnh quay từ chính nơi đây. Hoá ra, tôi sẽ dành kha khá thời gian trong chuyến đi này để quay video tài liệu mà đến giờ tôi vẫn chưa dựng xong.
Hơi đói bụng, chúng tôi rời khỏi khách sạn với mong muốn tìm được hàng bún, phở gì đó ăn tạm. Thật không may, đây lại đúng thời gian ngủ trưa của thị trấn. Ở thành phố đã lâu, chúng tôi quên béng mất là cửa hàng, cửa hiệu ở vùng quê hay đóng cửa nghỉ trưa sau 12:30. Chúng tôi lượn lờ qua vài hàng quán ven đường, nhưng đều bị từ chối. Vậy là chúng tôi quyết định đi thăm quan xung quanh trước. Tôi nhớ là sáng nay, tôi nhìn thấy một lá cờ Việt Nam trên đỉnh một ngọn đồi gần đây, vì vậy chúng tôi quyết định đi theo hướng đó, biết đâu lại tìm thấy một di tích nào nổi tiếng.
Với một người ít khi lạc đường, hôm đó tôi hoàn toàn lạc lối. Tôi chẳng biết chúng tôi đang đứng ở đâu trong thị trấn. Tôi cố nhớ lại những bản đồ địa hình và chiến trận cũ mình đã nhìn thấy trên sách báo, và so sánh với hình ảnh trên Google Map. Thị trấn không lớn, nhưng đường phố đã hoàn toàn thay đổi và tên phố đều là tiếng Việt, trong khi tôi toàn nhớ tên địa danh được đặt bởi người Pháp hoặc người Mỹ. Vì vậy, khá khó khăn để suy ra chúng tôi đang ở đâu. Phố xá giờ này lại vắng tanh, chúng tôi không gặp được ai để hỏi đường.
Từ bé đến giờ, tôi luôn học thuộc những địa danh ở Điện Biên Phủ bằng tên người Pháp đặt: Claudine, Isabelle, Beatrice, Dominque, Anne Marie, Gabrielle, Elaine, Juno, và Huguette. Còn phía Việt Nam thì đặt tên những ngọn đồi là 505, 505A, A3, hay Him Lam. Đôi khi, họ còn chẳng đặt tên cho một số pháo đài, ví dụ như Juno. Vì lí do nào đó, Việt Nam không thấy pháo đài ấy đủ quan trọng để có tên riêng thì phải.
Thế là chúng tôi cứ lếch thếch đi bộ trên quãng đường nắng chang chang. Những bộ phim của Pháp hay Hollywood thường miêu tả một Việt Nam hoàn toàn khác. Nơi tôi đang đứng chẳng có cây cối um xùm, rừng già nhiệt đới, cũng không có những cơn mưa lũ ngập ngang bụng. Điện Biên Phủ thật ra nóng, khô, và khá là buồn chán. Đây mới là lý do tại sao người Pháp chọn nơi đây để xây pháo đài, vào đúng một ngày đầu tháng 5 như thế này, vì đây là mùa khô và nóng.
Cuối cùng thì chúng tôi đi bộ đến một quảng trường, có vẻ như ở trung tâm thị trấn. Từ quảng trường, chúng tôi nhìn thấy bậc thang lát đá cẩm thạch đi tuốt lên một ngọn đồi khá dốc. Trên đỉnh đồi chính là ngọn cờ tôi nhìn thấy buổi sáng. Phía bên trái chúng tôi nhìn thấy một quán nước bé tin hin. Phía bên phải là một bức tường khắc đá khổng lồ, ca ngợi chiến công của những chiến sĩ Việt Nam đã đánh bại kẻ thù. Theo đúng phong cách của chủ nghĩa cộng sản, bức tường khắc họa những người nông dân và chiến sĩ quân đội sát cánh bên nhau đánh bại thực dân Pháp, đã đến xâm chiếm, cướp đoạt mảnh đất giàu lịch sử và văn hoá này.
Đến lúc này thì thời tiết đã trở nên nóng rát, nên chúng tôi bước vào quán nước nhỏ để tìm đồ ăn, đồ uống. Đây là quán duy nhất mở cửa nãy giờ. Tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế nhựa, trong khi Anh ra mua 2 cốc nước mía từ chủ quán. Anh trở lại với hai chiếc cốc nhựa trên tay, chứa đầy nước mía ngọt mát. Quán chỉ bán mỗi hai loại bim bim, một loại vị tôm, chứa đầy bột ngọt và đường, còn loại kia là bim bim hình cá vàng có vị như ăn cá thật ấy, nên tôi đành bỏ qua.
Anh đưa tôi cốc nước mía và kể rằng chủ quán nói đây là đồi Dominique. Nhưng chủ quán cũng nói giờ lên đấy thì chỉ có nước cháy da, chúng tôi nên quay lại khi đã bớt nắng. Anh cũng bảo tôi phải đóng 10,000 đồng để lên tham quan đồi. Chỉ có người nước ngoài phải đóng phí tham quan, còn người dân Việt Nam thì được miễn phí.
Tôi sờ lên đầu và thấy tóc mình đã ướt nhẹp mồ hôi. Tôi nghĩ chúng tôi nên leo lên đồi luôn, vì đằng nào cũng nóng lắm rồi, mà chúng tôi chỉ có 2 ngày ở Điện Biên Phủ. Đồi nào mà chẳng nóng, làm gì có pháo đài nào ở trong nhà có điều hoà đâu.
Chúng tôi uống nốt ly nước mía rồi quyết định leo lên đỉnh đồi. Chúng tôi mua 2 chai nước lạnh, và tôi trả 10,000 tiền phí tham quan cho quầy bán vé ở ngay chân đồi. Một tay cầm đồ máy ảnh, một tay cầm nước uống, tôi ngó lên xem đồi có cao lắm không. Cũng có vẻ không cao lắm, nhưng trời khá nóng, nên chúng tôi cố đi thật nhanh để lên tới đỉnh.
Trên đỉnh đồi là khu di tích lát đá, với một tượng đài bằng đồng khổng lồ. Tượng đài miêu tả khoảnh khắc chiến sĩ Việt Nam chiếm được đồn trú của Pháp và cắm lá cờ Việt Minh lên đỉnh đồi. Tượng đài được xây dựng cách đây 15 năm, để tôn vinh những anh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới chân tượng đài khắc ghi câu khẩu hiệu ra trận của quân Việt Minh: “Quyết Chiến Quyết Thắng.”
Nói thật là tôi khá ấn tượng với công trình này. Tôi không phải là người Pháp, hay người Việt, nhưng khi đứng ở chân tượng đài, tôi cảm thấy thật nhỏ bé. Cảm giác như tôi chỉ là một người dân thường, yếu ớt dưới bóng của những anh hùng đúc bằng đồng. Chúng tôi đi loanh quanh trên đỉnh đồi một lúc rồi ngồi nghỉ ở ngay dưới chân tượng đài.
Tôi lôi quyển sổ ghi chép của mình ra và ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng từ trên đỉnh đồi. Từ điểm này, tôi có thể nhìn thấy cả thung lũng. Thảo nào cả hai bên đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng để chiếm đóng đỉnh đồi này. Ngay trước mặt chúng tôi, ở phía tây, là đường băng cho máy bay nằm cạnh dòng sông. Phía trên một chút là những cánh đồng lúa rộng mênh mông, kéo dài cả 5 cây số. Quân đội Việt Nam biết rõ rằng tấn công từ phía Tây chẳng khác nào tự sát. Vì vậy họ tập trung đánh phía bắc và phía đông để chiếm lấy ngọn đồi này.
Tôi từ từ nhìn sang phía Bắc. Tôi đã xem từng bản đồ, từng bức ảnh chụp từ trên không của vùng này. Nhưng 65 năm đã trôi qua, thung lũng đã phát triển và thay đổi quá nhiều. Tôi chỉ có thể đoán những đồn công sự từng nằm rải rác xung quanh, giờ đây hoàn toàn bị che phủ bởi nhà cửa.
Tôi khá chắc chắn mình biết đồi Beatrice và Gabrielle nằm ở đâu. Mỗi pháo đài bảo vệ một cửa ngõ phía bắc thung lũng. Beatrice, pháo đài nằm phía đông bắc, bị tiêu diệt gần như ngay lập tức. Quân Việt Minh đã bí mật vận chuyển cả trăm đầu pháo vào thung lũng và giấu chúng ở những địa điểm chiến lược bí mật. Khi cuộc tấn công bắt đầu, quân Pháp bị phủ đầu bởi một cơn mưa đạn pháo họ không ngờ tới. Quân Việt Minh tấn công bằng những khẩu 105 ly về phía Pháp mà hầu như không hề bị cản trở. Ngay sau đó, quân Việt Minh tinh nhuệ tràn lên chiếm lấy đồn.
Quân Pháp cố gắng đánh trả các khẩu pháo 105 ly của Việt Nam một cách vô vọng. Ngoài việc cất giấu pháo, Việt Minh cũng đã xây dựng các ụ súng giả cùng hỏa lực pháo mô phỏng. Vì vậy, Pháp liên tục bắn trượt. Cuộc tấn công đầu tiên của Việt Minh quá hiệu quả, và đòn phản công của pháo binh Pháp tệ hại đến mức Pirot, Chỉ huy trưởng Pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ, đã tự sát đêm đầu tiên bằng một quả lựu đạn. Chuyện kể rằng Pirot đã mất hết hy vọng và quyết định lấy đi mạng sống của chính mình.
Tôi suy nghĩ lan man và cố tưởng tượng xem nếu mình là một người lính Viễn chinh Pháp, hay một người lính đến từ Bắc Phi, ngồi trên đỉnh Dominique này, nhìn trận đánh diễn ra phía xa, sẽ có cảm giác ra sao. Đây là những người lính đã có cả một thập kỷ kinh nghiệm chinh chiến ở khắp Đông Dương. Khi thấy quân mình thất trận, họ có sợ không? Hay họ muốn tấn công quyết liệt hơn? Hay họ đơn giản chấp nhận số phận người lính trong chiến tranh?
Và còn những người lính nhảy dù người Việt bên phía Pháp nữa. Đây là những người lính đã quyết định theo Pháp vì một lý do nào đó. Họ biết rằng nếu bị bắt, họ chắc chắn không nhận được sự tha thứ nào. Nếu họ thua trận đánh này, không chỉ họ mà cả người thân, gia đình họ cũng bị liên lụy.
Cuộc tấn công ở đồn Beatrice nhanh chóng ngã ngũ chỉ sau một vài giờ. Quân Pháp đã cố gắng gọi viện binh, nhưng vô vọng, khi mà Việt Minh đã tấn công quá ác liệt. Cả những chiếc xe tăng M24 Chaffee cũng không đánh lại pháo 105 ly. Và vậy là, sau rất nhiều tháng chuẩn bị, cửa ngõ phía bắc của Điện Biên đã mở toang cho Việt Minh. Quân Pháp có rất ít hy vọng để chiếm lại căn cứ này.
Sau đó, tôi nhìn sang bên trái, nơi tôi tin từng là Hillfort Gabriel. Pháo đài này cũng nhanh chóng bị chiếm ngay sau Beatrice. Theo lời kể của Việt Minh, Hillfort Gabriel thất bại nhanh chóng vì quân lính Việt Nam và bà con dân tộc theo Pháp đã nhìn ra ánh sáng của chủ nghĩa cộng sản, và buông súng đầu hàng. Quân Pháp thì nói họ thua vì quân Việt Minh quá đông và đánh quá mạnh. Tôi tin rằng sự thật chắc là đâu đó ở giữa hai lời kể này.
Khoảng ⅔ quân lính người Việt theo phe Pháp là người dân tộc Thái Trắng. Họ sinh sống trong một khu vực bán tự trị trung thành với Pháp. Trong sách báo phương Tây, vùng này được gọi là Liên Đoàn Thái, còn người Việt gọi đây là Mười Hai Xứ Thái. Điện Biên Phủ nằm ở ngay cửa ngõ phía Nam của khu vực này. Ai chiếm được Điện Biên sẽ nắm giữ những con đường chủ đạo ra và vào địa phận người Thái. Đây là một trong nhiều lý do quân Pháp quyết định chọn Điện Biên là chiến trường cuối cùng để đấu lại Việt Minh. Điều họ không ngờ tới là một nửa dân cư ở đây là người Thái Đen. Người Thái Đen từ lâu đã bị áp bức bởi người Thái Trắng. Theo tôi tìm hiểu, có thể người Thái Đen đã lợi dụng cơ hội Việt Minh tấn công thung lũng làm đòn trả thù người Thái Trắng. Họ đã rời bỏ những đồn công sự của Pháp và tiết lộ các bí mật chiến trường cho bên Việt Minh.
Ngồi trên đỉnh đồi dưới cái nắng thiêu đốt tháng 5, tôi nhận ra được nhiều điều mà lịch sử bị chính trị hoá đã không hề ghi lại, cũng giống như chiến trường năm xưa đang dần biến mất dưới tầng tầng lớp lớp nhà cửa mới xây. Tôi vội vã giở lại sổ để tìm trang tôi viết về những con số đáng nhớ của trận chiến này…
1 - y tá nữ người Mỹ
10 - chiếc xe tăng M24 Chaffee được chở đến thung lũng qua đường hàng không bởi Air Vietnam
2,810 – lính mang quốc tịch Pháp
2,884 – lính Phi, đến từ Morocco và Algeria
5,480 – lính người Việt theo phe Pháp
15,105 – tổng số quân Pháp
Phía Việt Minh ước tính có khoảng 40,000 lính.
Tôi thấy những số liệu này thật thú vị. Khi nhìn những bức ảnh được chụp ở chiến trường, thật dễ để quên rằng, đây không phải là cuộc chiến giữa người da trắng và người châu Á. Trên thực tế, Việt Minh phải đánh lại một liên minh hỗn hợp, trong đó có hơn ⅓ là lính Việt theo Pháp. Chính trị và phân biệt chủng tộc đã xoá mờ sự thật này trong những quyển sách sử. Chính phủ Việt Nam dù không hoàn toàn bác bỏ thông tin này, họ cũng không thích bàn đến nó. Về phía Pháp, vì phân biệt chủng tộc nên trong những bức ảnh chỉ toàn là lính Pháp da trắng tham gia cuộc chiến. Sự thật đau buồn là thung lũng này có nhiều xác chết của lính Phi và lính Á gấp nhiều lần lính da trắng.
Kể cả trong hồi ký của Tướng Giáp và sách sử của Pháp, họ đều công nhận những người lính Việt theo phe Pháp là đội quân tinh nhuệ và quả cảm. Đáng tiếc là câu chuyện của họ không hợp với tư tưởng chính trị của Pháp hay Việt Nam, vì vậy sự hi sinh của họ trong cuộc chiến dần bị lãng quên. Trong khi đó, cũng vì lý do chính trị, mà những quân lính Viễn chinh Pháp (trong số đó có cả những tên Đức Quốc Xã đang chạy trốn khỏi những toà án ở Châu Âu) lại được nhớ đến. Đó chính là lịch sử chiến tranh. Kẻ thắng mới được phép kể câu chuyện của mình.
Kể cả khi ngồi trong bóng râm, nắng nóng vẫn thật sự thiêu đốt. Chúng tôi đã uống gần hết nước vừa mua ở chân đồi. Chúng tôi rời khỏi bóng râm, đi loanh quanh xem có gặp ai không. Hình như chẳng ai dại mà lên đỉnh đồi giờ này cả. Gần tượng đài có mấy túp lều dựng tạm, nơi người ta bán đồ lưu niệm. Vài người phụ nữ đang ngồi trên ghế bên trong gian hàng của họ, phe phẩy chiếc quạt nan cho đỡ nóng.
Gian hàng có đủ các loại quà lưu niệm, rất nhiều trong số đó chẳng liên quan gì đến Điện Biên Phủ, nhưng vẫn được bày bán. Nhìn thấy chúng tôi, chị chủ quán nhổm dậy, cứ như là có chuông báo cháy vừa reo. Chẳng nói chẳng rằng, chị mở ngay cái tủ lạnh mini trong quán và đưa cho chúng tôi mấy chai nước lạnh. Đúng là người đã có kinh nghiệm bán hàng, nhìn một cái là họ biết ngay chúng tôi đang khát khô. Chúng tôi vội vàng trả tiền mua thêm hai chai nước lớn và quay lại tượng đài.
Tôi vẫn vác theo tất cả dụng cụ quay phim và quyết tâm sử dụng chúng. Trở lại đỉnh đồi, tôi nhìn lại lần cuối về phía đông chiến trường. Đó là trung tâm của cả trận chiến. Ở nơi chúng tôi đứng, trên đỉnh đồi Dominique, chỉ cách hơn một cây số là rặng núi bao bọc lấy cả thung lũng.
Trong rặng núi ấy, Việt Minh đã xây dựng nên cả một khu căn cứ dưới lòng đất, với những bunker chứa đạn pháo gần như không thể bị phát hiện. Những khẩu súng vốn được thiết kế để bắn tầm xa thì ở đây, chúng lại được dùng để bắn tầm gần thẳng vào căn cứ Pháp. Để vận chuyển được những khẩu pháo đó đến tận Điện Biên Phủ mà không bị phát hiện quả là một câu chuyện thần kỳ. Lính Việt Minh đã phải vận chuyển những khẩu pháo nặng cả tấn lên dốc núi cheo leo, và còn phải ngụy trang để qua mắt lính Pháp. Họ đã đào một hệ thống hang cực kỳ phức tạp dưới lòng đất để giấu hàng ngàn người, và đào tạo kỹ năng chiến đấu cho lính mới. Những đường hầm nối với nhau để trở thành bệnh viện, doanh trại, kênh truyền tin, hầm chỉ huy, và thậm chí là khu giải trí, ngay trên sườn núi. Lời đồn đại mà mọi người thường nghe thấy là Việt Minh đã đào hầm xuyên qua núi để vận chuyển đạn pháo. Sự thực không phải vậy, họ đã qua mặt lính Pháp và bí mật chuyển đạn pháo ngay dưới mũi họ.
Sau khi những căn cứ phía ngoài lần lượt bị tiêu diệt, từng đợt từng đợt lính Việt Minh tràn lên tấn công ngọn đồi tôi đang đứng hôm nay. Trong những sách sử Pháp hay Mỹ, họ hay viết rằng Việt Minh hầu hết là lính mới nhập ngũ, thiếu kinh nghiệm và chỉ biết mù quáng nghe theo lệnh trong cuộc tấn công. Sự thật là có nhiều người lính hi sinh ở Điện Biên Phủ là lính mới và còn trẻ, nhưng hầu hết lính Việt Minh đã có kinh nghiệm chinh chiến khắp Đông Dương. Họ đã được đào tạo ở nhiều nơi, bởi cả quân đội Nga và Trung Quốc. Thậm chí có những người lính quân đội Nhật Bản đã không chịu đầu hàng sau Thế chiến II và tiếp tục chiến đấu chống lại người da trắng ở Châu Á bằng cách đào tạo quân Việt Minh. Người Pháp nghĩ rằng Việt Minh chỉ là một quân đội chui rúc, nhưng thực rất họ là một tập thể dũng mãnh mà Hồ Chí Minh đã hứa sẽ đánh bại người khổng lồ Pháp.
Tôi cố gắng hết sức để hình dung ra những chiến hào từng cắt ngang ngọn đồi này, nhưng không thể. Trận chiến giành Dominique hết sức tàn bạo và không hề dứt khoát. Ngọn đồi kiên cố này đã đổi chủ nhiều lần, cũng như nhiều lần trận đánh phải tạm lắng và những chiến binh kẻ thù của nhau ngồi nghỉ ngơi trong chiến hào chỉ cách nhau vài ba mét. Trong suốt trận chiến 57 ngày đêm ở Điện Biên Phủ, cả quân Việt Minh và quân Pháp đã cố thủ tại những phần khác nhau của đồi Dominique, cho đến khi quân Việt Minh cuối cùng cũng giành chiến thắng.
Đây quả là một trận chiến khốc liệt. Súng phun lửa, súng cối, súng máy, lựu đạn, bắn tỉa, bom napalm, và nhiều vũ khí khác được sử dụng, biến nơi này thành một… cái máy xay thịt. Tôi nhớ trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mô tả những xác người nhấp nhô trên những chiến hào hoặc miệng hố bom. Họ bị kẹt dưới những tảng đá. Không ai dám khiêng xác họ đi vì sợ làm sập chiến hào, không có chỗ để tấn công trong đợt tiếp theo. Xác người lính trở thành lớp vữa gắn kết những chiến hào lại. Những người lính nấp đằng sau xác chết, ôm chặt súng chờ đợt tấn công tới. Cây cỏ cũng biến thành bùn đất, che lấp hết con người. Quả là một địa ngục xứng đáng với tên gọi của nó: chiến trường Verdun ở trong rừng sâu.
Đây là một đoạn trích trong hồi ký của Tướng Giáp mà tôi đã chép lại trong sổ tay:
Không một ngọn cỏ nào còn sót lại. Cả ngọn đồi biến thành một tổ mối khổng lồ đầy ụ súng và hố bom… Chiến hào, ụ súng, dây thép gai đan vào nhau ở khắp mọi nơi. Đất cát bị đào xới tung lên và có màu đỏ như đất nung. Mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu quân Pháp, cùng nỗi hoảng loạn. Khắp nơi nồng nặc mùi hôi thối của ruồi muỗi và xác chết không được chôn. (387)
Tôi đọc những dòng này và nghĩ về sự kinh hoàng của cuộc chiến trên ngọn đồi này. Nhưng thực sự tôi không thể tưởng tượng ra nơi tôi đang đứng đây lại là một chốn khủng khiếp đến vậy. Tôi cảm thấy biết ơn vì chiến tranh đã qua đi. Mảnh đất này đã chịu đựng quá nhiều mất mát. Có lẽ vì vậy mà cần xây nên những tượng đài như thế này. Nơi mà trước đây bao nhiêu người lính đã ngã xuống, giờ trở thành một ngọn đồi xanh mướt, những rặng tre, trúc xào xạc trong gió. Ngọn đồi này bao năm vẫn đứng sừng sững nơi đây, như một lời nhắc nhở về lịch sử đã qua.
Trong lúc tôi mải suy nghĩ, Anh đã ra ngồi trong bóng râm và chăm chú ngắm nhìn những cánh đồng lúa trải dài trước mắt. Trên cùng một đường băng mà hàng ngàn lính Pháp cùng vũ khí, quân trang đã hạ cánh từ mùa đông năm 1952 đến mùa xuân năm 1954, thì nay hàng ngày máy bay Vietnam Airlines chở khách từ khắp nơi trên cả nước tới thăm Điện Biên.
Tôi ngồi xuống cạnh Anh và chúng tôi nói chuyện về tượng đài trên đỉnh đồi Dominique. Tôi ngoái đầu lại nhìn bức tượng bằng đồng. Tôi quên mất không hỏi xem chữ viết trên lá cờ có nghĩa là gì.
“Dòng chữ trên lá cờ có nghĩa là gì?” tôi hỏi.
“Quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chiến thắng. Là khẩu hiệu ra trận của Việt Minh. Các tiểu đội cũng nhận được lá cờ này nếu họ thực hiện tốt nhiệm vụ trong chiến dịch,” Anh trả lời.
“Hmmm, Quyet Chien, Quyet Thang,” tôi lặp lại câu nói một vài lần. Tôi thấy nó khá hay. Đơn giản và trực tiếp. Còn có vần điệu nữa. Câu chuyện về những tiểu đội được nhận cờ vì lòng dũng cảm và chiến thắng khiến tôi liên tưởng đến quân đội La Mã và Acquilla (biểu tượng chim đại bàng) của họ.
Chúng tôi nói chuyện thêm một lúc nữa rồi bắt đầu lấy máy ảnh và tripod ra để thử quay film. Trong khoảng 2 tiếng rưỡi sau đó, chúng tôi cố gắng hết sức để quay một vài cảnh cho video tài liệu về Điện Biên Phủ mà tôi muốn dựng. Hoá ra tôi lại khá ngại ngùng khi quay phim. Tôi liên tục đơ ra khi máy bắt đầu quay, quên lời, hoặc là xấu hổ quá không quay tiếp được. Anh cố gắng kiên nhẫn khuyến khích tôi thử lại, nhưng đều không thành công.
Cuối cùng, chúng tôi bỏ cuộc và đi xuống đồi. Mặt trời bắt đầu lặn dần về hướng dãy núi phía Tây. Không khí trở nên mát mẻ hơn. Để kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, các anh bộ đội đang dựng sân khấu, đèn đóm, thử âm thanh và máy quay cho buổi biểu diễn vào tối nay.
Chúng tôi đi bộ trở lại khách sạn để bỏ lại đồ đạc vào trong phòng, và đi kiếm đồ ăn tối. Dường như không có nhiều hàng quán mở lắm. Chúng tôi tìm được một hàng ăn đồ Hoa nhỏ ở trong hẻm, với menu toàn đồ nấu kiểu Vân Nam. Không biết vì đói hay do đồ ăn ngon thật, mà chúng tôi ăn loáng cái đã hết. Ăn xong chúng tôi định bụng đi bộ ra quảng trường xem biểu diễn văn nghệ, tuy nhiên sau cả một ngày tìm hiểu về Điện Biên Phủ, chúng tôi quyết định về khách sạn để xem tập mới nhất của Game of Thrones. Hôm nay thế là đủ bài học lịch sử rồi.
Translated By
Dieu Anh Phung
Digital Marketer, Fashionista, Writer
Written By
Wiley H. Jackson
Teacher, Writer, Adventurer
Feel free to click on any of the hashtags below to find related articles.
Comments